Đừng già néo, kéo đứt dây
Cho dù có thể đối với nhiều người, tình hình không quá phải lo sợ đến vậy, bởi những hành động theo kiểu “lên gân” như thế đã được lặp lại không ít lần.
Tuy nhiên, cũng chính từ những bài học của lịch sử buộc chúng ta không thể chủ quan.
Những động thái nguy hiểm
Hãy bắt đầu từ những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Ngay sau khi Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2094 (ngày 8-3, Nghị quyết về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba của nước này), Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu các cuộc tập trận trên biển Hoàng Hải (tham gia cuộc tập trận thường niên Đại bàng non và Giải pháp then chốt có cả pháo đài bay B52) với thông điệp rõ ràng là nhằm đối phó với Triều Tiên.
Ngay lập tức, Chính phủ Triều Tiên tuyên bố hủy toàn bộ các hiệp ước không tấn công đã ký với Hàn Quốc năm 1991. Sau đó Bình Nhưỡng quyết định đóng cửa biên giới Panmunjom (khu phi quân sự tại vĩ tuyến 38) và cắt đường dây nóng giữa hai miền được thiết lập từ năm 1971 chỉ để lại liên lạc quân sự. Trong suốt tuần qua, cuộc khẩu chiến giữa giới chức hai miền Triều Tiên ngày một leo thang tới mức quân đội thực sự bị đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi giới chức Nhật Bản và Mỹ kêu gọi áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt riêng. Đáp lại Triều Tiên đe dọa sẽ dùng đòn phủ đầu hạt nhân để tấn công Mỹ, còn Nhật Bản “sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công khủng khiếp”.
Trong bối cảnh Đông - Bắc Á đang sôi sục, tuyên bố của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel như “”đổ thêm dầu vào lửa”. Ngày 15-3, ông Chuck Hagel tuyên bố hủy kế hoạch triển khai (đang ở giai đoạn cuối) hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung tại Ba Lan, đồng thời Lầu Năm góc sẽ tăng cường thêm 14 hệ thống tên lửa đánh chặn dọc bờ biển ở Alaska trong bốn năm tới, nâng tổng số tên lửa của Mỹ dọc Thái Bình Dương lên 44.
“Nóng” ở châu Âu giờ lại được chuyển sang châu Á và rất có thể sẽ tạo ra những bước ngoặt nguy hiểm cho khu vực, trước hết có thể là một cuộc chạy đua tăng cường binh bị mới. Trong cùng diễn biến, Quốc hội Trung Quốc vừa quyết định tăng 10,7% ngân sách dành cho quốc phòng trong năm 2013 (tương đương khoảng 114,3 tỷ USD).
Tại vùng Vịnh, việc Iran cho hạ thủy chiếc tàu khu trục Jamaran-2 (do Iran tự chế tạo) rất có thể sẽ khiến hy vọng về khả năng tiến tới một thỏa hiệp giữa nhóm P5+1 với Iran về chương trình hạt nhân của nước này vừa lóe lên tại hội nghị Almaty (Kazakhstan, cuối tháng 2) lại mau chóng bị đe dọa.
Ngày 17-3, tại lễ hạ thủy, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố sự xuất hiện của chiếc tàu khu trục do Tehran tự sản xuất trên biển Caspian sẽ giúp “đảm bảo an ninh khu vực” rất có thể sẽ chỉ đem đến những phản ứng theo chiều ngược lại, bởi lẽ ngày 20-3 sẽ bắt đầu vòng đàm phán cấp chuyên viên đầu tiên theo lộ trình định sẵn của hội nghị Almaty.
Vì sao cứ phải căng thẳng
Theo lối suy luận logic thông thường thì rõ ràng trong bối cảnh hiện tại nếu để chiến tranh nổ ra, thậm chí là những xung đột ở cấp độ thấp, sẽ chẳng có bất cứ bên nào được hưởng lợi.
Cứ giả sử xảy ra tình huống xấu nhất như tuyên bố của hai miền Triều Tiên là sẽ cho một bên “biến khỏi mặt đất” thì bên còn lại sẽ có còn tiếp tục sống bình thường không!
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chắc chắn tất cả các bên hiểu rõ hành động của họ sẽ có liên quan mật thiết tới phần còn lại. Thậm chí giờ đây, đến ngay cả siêu cường Mỹ cũng không còn tự đơn phương hành động một cách tùy tiện, nhất là tại các điểm nóng có liên quan đến lợi ích của nhiều bên như Đông - Bắc Á hay Trung Đông.
Phần đông ý kiến cho rằng, trong những tình huống nêu trên sở dĩ các nước vẫn lựa chọn cách ứng xử theo kiểu “bên miệng hố chiến tranh”, vẫn cứ thích đặt nhân loại vào cái làn ranh giới “sinh - tử” là bởi ít nhất hai lý do chính: 1- Do những cái đầu nóng, không chấp nhận thỏa hiệp trước các sức ép và 2- Do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hay chính trị.
Tuy nhiên, khi mà tất cả các bên đều có chung một nhận thức về hậu quả nghiêm trọng nếu để chiến sự nổ ra thì rõ ràng cần có những giải thích tổng thể hơn cho việc lựa chọn chính sách cứng rắn.
Đơn cử như trong trường hợp bán đảo Triều Tiên, chính sách của các bên là hệ quả tất yếu của cả một quá trình. Sự căng thẳng giữa hai miền hay giữa Triều Tiên với Mỹ đã tích tụ từ ngay sau hiệp ước đình chiến tại bàn Môn Điếm ngày 23-7-1953. Suốt một thời gian dài, hành động của các bên chỉ càng làm gia tăng sự thù địch. Lập trường kiên quyết phải có vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được định hình cũng chính trong quá trình này và cũng chỉ với mục đích tự vệ. Hiệp định khung giữa Mỹ và Triều Tiên năm 1994 mau chóng bị phá vỡ là bởi nó không được xây dựng trên cơ sở của lòng tin mà chỉ đơn thuần là kết quả của một sự thỏa hiệp nhất thời.
Chính sách luôn mang tính áp đặt của người Mỹ chính là điểm xuất phát cho một quá trình: Những cuộc khủng hoảng hạt nhân sau đó dần mang dáng dấp của một trò chơi “cân não” để các bên nhằm đạt được những lợi ích chính trị hay kinh tế nhất định nào đó. Có lẽ cũng chính vì thế, rất may là trong suốt thời gian qua, các bên đều biết tự kiềm chế khi dần tiến tới ngưỡng của một cuộc chiến tranh.
Như vậy, chính sách cứng rắn vẫn được triển khai là bởi người ta vẫn đạt được, dù ít hay nhiều, những gì họ chờ đợi.
Xin đừng đùa với tính mạng
Nói như trên không có nghĩa là chính sách cứng rắn “có tính toán” sẽ không thể dẫn tới chiến tranh. Trong chuyện ngụ ngôn “đàn thỏ và con sói”, bầy thỏ phải chuốc vạ cũng chính bởi trò chơi “dọa thử”.
Nhìn lại các cuộc chiến tranh trong lịch sử, quyết định khai chiến thường chỉ do một cá nhân hoặc một nhóm rất ít người. Không ai dám khẳng định rằng mình sẽ luôn kiểm soát được tình hình trong một thời gian dài. “Nhân vô thập toàn” đó là lẽ thường tình của cuộc sống. Trong tình trạng căng thẳng như hiện nay, không còn đủ thời gian để phân biệt vì sao bên này hay bên kia phải làm vậy.
Giờ đây, điều quan trọng nhất là mong những người có trách nhiệm hãy tỉnh táo để biết phải dừng ở đâu, đừng đưa người dân nước họ tham gia vào trò chơi “loto chính trị”.