Gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu
Tháng tư về, hòa chung nhịp thở của núi rừng, sông suối, những đoàn khách du lịch trải nghiệm đầu tiên nằm trong dự án du lịch cộng đồng người Cơ Tu đã có dịp khám phá mảnh đất này, thưởng thức nhiều món ẩm thực độc đáo. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đã thật sự hồi sinh trên mảnh đất này.
Tại TP Đà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu hiện có khoảng 1.500 người, sống tại ba thôn gồm: Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú). Dẫu cuộc sống còn nhiều bộn bề khó khăn, nhưng đồng bào nơi đây đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo để góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, hiện nay, đồng bào còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện trong luật tục, tổ chức cộng đồng, hôn nhân - gia đình, nhà ở, ẩm thực... Những năm gần đây, do ảnh hưởng của quá trình hội nhập giao lưu, diễn ra mạnh mẽ, cho nên văn hóa của người Cơ Tu ở Hòa Vang đã có những biến đổi rõ nét. Để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, cộng đồng người Cơ Tu cùng chính quyền đã nỗ lực phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa, thể thao, mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa. Nhờ vậy, bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào được bảo tồn, phát triển, góp phần làm đa dạng văn hóa của TP Đà Nẵng.
Chia sẻ về những thành quả bước đầu trong phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà khẳng định: Từ sự hỗ trợ của UBND huyện Hòa Vang và tổ chức Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), việc triển khai các dự án được lồng ghép, kết hợp cho hiệu quả cao. Tiêu biểu là các dự án Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí; dự án Bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn quốc gia Bạch Mã kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Địa phương đã phục dựng thành công hai lễ hội của đồng bào Cơ Tu gồm: Lễ Ăn thề kết nghĩa, Lễ Mừng lúa mới. Từ đầu năm 2018, các nghệ nhân người Cơ Tu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã về dạy các lớp dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Cơ Tu, hướng tới mục tiêu phục vụ du lịch cộng đồng tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ đồng bào Cơ Tu xây dựng hai bản hương ước bảo vệ rừng, trao tặng cồng chiêng, trang phục truyền thống, máy tính, hỗ trợ chăn nuôi. Xã Hòa Bắc cũng vận động tổ chức cho học sinh tiểu học mặc đồng phục truyền thống Cơ Tu khi đến trường.
Việc phục dựng các lễ hội này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm để làm giàu thêm giá trị truyền thống của dân tộc mình.