Pháp – Croatia: Nơi bóng đá thực dụng lên ngôi
Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lần thứ 21 diễn ra tại Nga chứng kiến sự lên ngôi của lối chơi thực dụng. Những đại diện cho thứ bóng đá đẹp mắt, ban bật hoa mỹ như Tây Ban Nha, Brazil hay phần nào đó là Bỉ, Argentina hay Đức đều phải “dừng bước” trước trận đấu cuối cùng. Khá thú vị khi Pháp và Croatia đã đều đi tới trận đấu cuối cùng bằng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, trong đó tầm quan trọng của bộ đôi tiền vệ giữa sân luôn được hai HLV Didier Deschamps và Zlatko Dalic đặc biệt chú trọng.
Nếu như vị trí của N’Golo Kante ở tuyển Pháp là “bất khả xâm phạm” thì Luka Modric cũng không thế thay thế trong thành phần của Croatia, đây cũng là hai cầu thủ ra sân chính thức trong toàn bộ tất cả các trận đấu của hai đội. Trên lý thuyết, tuy sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 nhưng các vị trí trong đội hình của HLV Didier Deschamps có thể nhanh chóng chuyển thành 4-3-3, với bộ ba tấn công Griezmann, Mbappe và Giroud. Khi ấy các tiền vệ có xu hướng đá lệch trái như Matuidi hay Tolisso sẽ bó vào đá giữa để cùng Kante và Pogba tạo thành tấm lá chắn ba người để hỗ trợ tối đa cho hàng phòng ngự.
Thế hệ tài năng của đội tuyển Pháp được kỳ vọng có thể tái hiện thành tích vô địch thế giới cách đây tròn 20 năm.
Trên con đường tiến vào trận chung kết, đội tuyển Pháp đối đầu với không ít đội tuyển sở hữu những “số 10” hàng đầu thế giới hiện nay. Nhưng nhìn vào cách mà tiền vệ nhỏ con N’Golo Kante “bắt chết” những Cristian Eriksen (Đan Mạch), Lionel Messi (Argentina) hay Kevin De Bruyne (Bỉ) mới thấy rằng lối đá thiên về thể lực, giàu sức mạnh và tốc độ đang từng bước lên ngôi trong bóng đá hiện đại.
Bên cạnh đó, sự hiệu quả trong những tình huống “bóng chết” đang giúp Pháp tìm được phương án giải quyết các trận đấu khó khăn, điển hình như tình huống không chiến mở tỷ số của Raphael Varane ở trận tứ kết với Uruguay hay bàn thắng bằng đầu duy nhất của Samuel Umtiti trong trận bán kết với Bỉ. Đây sẽ là vấn đề mà hàng thủ Croatia sẽ cần đặc biệt lưu tâm mỗi khi Pháp được hưởng tình huống cố định ở trận chung kết tới.
Giống như tuyển Pháp, Croatia cũng sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 để tiến vào tới trận đấu cuối cùng. Tuyến giữa của Croatia trong những trận đấu quan trọng luôn hài hòa giữa tấn công và phòng ngự khi Ivan Rakitic có trách nhiệm phân phối và kiến tạo, Luka Modric cầm nhịp trận đấu, di chuyển liên tục với vai trò tiền vệ con thoi còn Marcelo Brozovic thực hiện nhiệm vụ tương tự như Kante của đội tuyển Pháp.
Sức mạnh tuyến giữa và tinh thần tập thể là những điểm mạnh nhất của đội tuyển Croatia.
Có lẽ không quá khi đánh giá trận chung kết sẽ là cuộc đối đầu của hai hàng tiền vệ mạnh nhất kỳ World Cup năm nay. Tuyến giữa chắc chắn sẽ là một trong những khu vực “nóng” nhất trên sân, HLV Didier Deschamps sẽ cần tận dụng tối đa lợi thế về sức mạnh, thể lực của Paul Pogba, N’Golo Kante và Blaise Matuidi để chia cắt và hóa giải những pha phối hợp của bộ ba tiền vệ bên phía Croatia, giống như cách ông đã làm trong trận bán kết gặp đội tuyển Bỉ.
Cũng ở trận bán kết ấy, hàng thủ vững chắc của Les Bleus đã làm rất tốt nhiệm vụ kèm cặp những “ngòi nổ” quan trọng bên phía Bỉ như Eden Hazard, Kevin De Bruyne hay Romelu Lukaku. Bộ đôi trung vệ Varane – Umtiti không những làm tốt vai trò trong khâu phòng ngự mà còn góp “tiếng nói” quyết định ở hai trận đấu loại trực tiếp gần nhất. Sự chắc chắn của bộ tứ vệ sẽ là điểm tựa vững chắc để các cổ động viên đội bóng “đất nước hình lục lăng” tự tin vào thành công của đội nhà trong trận chung kết, bởi ở những trận đấu có tính chất quyết định như vậy thì việc giữ sạch lưới đã chiếm tới 50% khả năng chiến thắng rồi.
Bên cạnh vấn đề chuyên môn, thể lực của các cầu thủ Croatia trong trận đấu tới cũng là điều đáng lưu tâm bởi họ đã trải qua hơn 370 phút thi đấu liên tục trong ba trận knock-out vừa qua, trong khi Pháp luôn giải quyết nhanh gọn đối phương trong 90 phút chính thức. Những bước chân mỏi mệt có thể thấy rõ ở các cầu thủ Croatia, đặc biệt là trong hiệp 1 trận bán kết với đội tuyển Anh vừa qua, chỉ sau khi Ivan Perisic bất ngờ mang về bàn gỡ hòa trong hiệp 2 thì sự giải phóng về tinh thần như đã tiếp thêm sức mạnh cho họ để làm nên cuộc lội ngược dòng kỳ tích ấy. Đội tuyển Pháp liệu có thể tận dụng để dứt điểm trận đấu trong 90 phút, hay sẽ phải thi đấu trong sự sốt ruột và lo lắng suốt 30 phút hiệp phụ (thậm chí là cả loạt sút luân lưu) như ba “bại tướng” của Croatia vừa qua?
Ở lần gặp nhau đầu tiên và cũng là duy nhất của hai đội trước đây tại một kỳ World Cup, Pháp đã vượt qua Croatia 2-1 ở giải đấu tổ chức trên sân nhà năm 1998. Croatia trong lần đầu dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã thi đấu vô cùng thăng hoa và thậm chí đã vươn lên dẫn trước nhờ bàn thắng của chân sút huyền thoại Davor Suker, tuy nhiên Pháp – đội tuyển sau đó lên ngôi vô địch – đã lội ngược dòng thuyết phục với cú đúp của hậu vệ Lilian Thuram. Hai đội sau đó còn có thêm một trận hòa với tỷ số 2-2 tại vòng bảng Euro 2004.
Không chỉ đơn thuần là trận đấu quyết định nhà vô địch thế giới, cuộc so tài giữa Pháp và Croatia sẽ giúp tìm ra cầu thủ xứng đáng nhất nhận danh hiệu Quả bóng Vàng World Cup với hai ứng cử viên “nặng ký” nhất là Kylian Mbappe và Luka Modric; cũng như người chiến thắng tại giải thưởng Găng tay Vàng giữa hai thủ thành Hugo Lloris và Danijel Subasic.
Đội hình ra sân dự kiến:
Pháp: Hugo Lloris; Benjamin Pavard, Raphaël Varane, Samuel Umtiti, Lucas Hernández; Paul Pogba, Ngolo Kanté; Kylian Mbappé, Antoine Griezmann, Blaise Matuidi; Olivier Giroud.
Croatia: Danijel Subasic; Sime Vrsaljko, Dejan Lovren, Domagoj Vida, Ivan Strinic; Ivan Rakitic, Marcelo Brozovic; Ante Rebic, Luka Modric, Ivan Perisic; Mario Mandzukic.