Bao giờ có được hòa bình cho miền đất dữ Trung Đông ?
Chính vì thế, cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 8 ngày qua tại dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas (Palestin) không chỉ góp phần hoàn tất bức tranh u tối của khu vực trong năm 2012 này, vốn chẳng khác là bao so với năm 2011, mà còn giúp cho nhận định “Trung Đông – miền đất dữ” trở nên đúng đắn hơn mà thôi.
Cũng giống như nhiều người, từ lâu người viết đã luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Tại sao đối với Trung Đông hòa bình lại khó đến như vậy? Trải qua hàng thế kỷ với các cuộc chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt, mọi người dân tại miền đất dữ này, không phân biệt thân phận hay tôn giáo, chắc chắn đều có một ước nguyện chung là hòa bình, một cuộc sống bình yên. Lý do thì đã quá rõ, mỗi ngày nơi đây luôn có một ai đó bị chết vì bom đạn. Đơn cử như trong cuộc xung đột Israel – Hamas 8 ngày vừa qua, đã có hơn 100 người tử nạn, gần 400 trăm người bị thương. Ngày 23-11, văn phòng thương mại Palestin cho biết, chỉ tính riêng thiệt hại từ các hợp đồng tài chính – thương mại bị ngưng trệ do các cuộc không kích của Israel đã lên tới hơn 300 triệu USD. Theo thông tin từ hai phía đưa lại, trong 8 ngày qua, Israel đã tiến hành không kích gần 1400 mục tiêu của Palestin tại dải Gaza, còn lực lượng Hamas đã bắn hơn 300 quả tên lửa và rocket sang lãnh thổ Israel.
Một thực tế là, không phải các nước trong khu vực cũng như cả cộng đồng quốc tế không nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm đem hòa bình đến cho nơi đây. Chỉ tính riêng Hội Đồng Bảo An cũng đã thông qua không biết bao nhiêu nghị quyết nhằm vãn hồi hòa bình cho khu vực. Các nước trong khu vực cũng đã từng đạt được không ít các thỏa thuận ngừng bắn như thỏa thuận ngày 22-11-2012 giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, tất cả những quy định, thỏa thuận đó mau chóng bị chính các bên phá vỡ khi chỉ một tiếng đồng hồ ngay sau khi thỏa thuận được công bố, lực lượng Hamas đã bắn 12 quả tên lửa sang Israel, Thủ tưởng Israel, B. Netanyau lập tức tuyên bố về khả năng sẽ tấn công Gaza trở lại với quy mô lớn hơn!
Nguyên nhân của hiện tượng này cũng đã được nhiều chuyên gia mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng, nhưng dường như vẫn thiếu đi độ chuẩn xác. Bằng chứng là căn bệnh “chiến tranh” tại Trung Đông vẫn chưa có thuốc giải hiệu quả. Thí dụ đối với cuộc xung đột Israel – Hamas vừa qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, Israel tấn công vào thời điểm này là nhằm ghi điểm cho cuộc bầu cử vào đầu năm tới. Tương tự như vậy, nhóm Hamas cũng muốn thông qua cuộc tấn công này để chứng minh với cử tri rằng, biện pháp bạo lực của họ có hiệu quả hơn hẳn những hoạt động ngoại giao của chính phủ Mahmood Abbas. Cách lý giải này có thể là không sai, nhưng rõ ràng là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, cho đến thời điểm này, cử tri đều quá hiểu rằng, các cuộc chiến tranh đã khiến tất cả các bên đều chịu thiệt hại nghiêm trọng. Cứ cho rằng, những con người theo chủ trương bạo lực này thắng cử, vậy thì sau bầu cử chắc họ sẽ phải dành một phần không nhỏ các nguồn lực, mà hầu hết đều do người dân đóng góp, chỉ để nhằm khắc phục hậu quả từ chính các cuộc giao tranh. Trải qua suốt chiều dài lịch sử cho đến thời điểm hiện tại, cử tri – những người dân lao động Trung Đông, những người trực tiếp phải chịu đựng đau thương, mất mát nhiều nhất, chắc đã quá thấu hiểu nghịch lý này, chính vì vậy những chủ trương bạo lực trên khó mà thuyết phục được họ ủng hộ.
Một cách lý giải nữa cũng hay được đưa ra là do sự can thiệp từ bên ngoài, trước hết là sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn, do tầm quan trọng chiến lược về mọi mặt của Trung Đông. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý, bởi chính các nước lớn là nguồn cung cấp vũ khí cho các bên tham gia xung đột. Hơn thế, chính sách luôn có tính phiến diện đối với khu vực của các nước lớn cũng càng làm cho mâu thuẫn nơi đây thêm sâu sắc. Điển hình như chính sách luôn ủng hộ Israel của Mỹ giúp cho các đời chính quyền đất nước Do Thái dường như chẳng bao giờ phải bận tâm về tình trạng bị cô lập giữa các quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng như trên, cách lý giải này thực sự không phù hợp lắm với bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Vào thời điểm hiện tại, tất cả các nước lớn chắc đều không muốn tình trạng lộn xộn quá ngưỡng hiện nay tại Trung Đông. Bởi trong hàng loạt hệ lụy từ các cuộc xung đột tại đây, giá dầu leo thang từng ngày là nguy cơ nhãn tiền đối với tất cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cứ nhìn cái cảnh bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tất tả rời hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên tổng thống Obama tham dự sau khi tái đắc cử, ngay trong ngày khai mạc 18-11, để bay tới Trung Đông thì đủ thấy người Mỹ lo lắng tình hình chiến sự leo thang tại đây như thế nào. Hơn thế, chính trong quá trình tranh cử, tổng thống Obama cũng bị chỉ trích dữ dội vì tội “để mặc tình hình Trung Đông”. Tình hình chiến sự ở Trung Đông khó đủ lực có thể giúp dàn hòa tranh chấp trên Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng chắc chắn sẽ làm đôi bên giảm căng thẳng. Bởi lẽ, nhiều khả năng lượng dầu nhập khẩu từ địa bàn Trung Đông sẽ sụt giảm sau cuộc giao tranh và đó là điều mà hai cường quốc này quan ngại hơn cả.
Nói cách khác, các nước lớn cũng đang mong muốn sự ổn định hơn là xung đột tại Trung Đông.
Còn một nguyên nhân nữa, nhưng hiếm khi được đề cập (nhưng theo tác giả lại là quan trọng nhất), là sự quan tâm chưa thực sự đúng mức của các nhà lãnh đạo các nước liên quan tới lợi ích của người dân. Nếu lợi ích của số đông người dân vô tội được đặt lên hàng đầu, chắc chắn những người đứng đầu nhà nước Israel hay nhóm Hamas và cả các nước Ả Rập khác đã không có thái độ cứng rắn quá mức cần thiết như vậy. Trong lịch sử khu vực, nếu không xuất phát từ thỏa hiệp “đổi đất lấy hòa bình” giữa Israel và Ai Cập thì làm sao có được hiệp định Camp David năm 1978. Rõ ràng, ở một mức độ nhất định, người dân hai nước đã có được hòa bình sau thỏa hiệp này.
Qua việc mổ xẻ lại những nguyên nhân mà chúng ta đã tin tưởng từ lâu rằng vì chúng mà chiến tranh vẫn nổ ra hàng ngày tại miền đất dữ Trung Đông, người viết muốn chia sẻ một cách nhìn nhận: Một khi quan điểm cứng rắn của các bên vẫn tiếp tục tồn tại, và nhất là lại chỉ vì từ lợi ích của thiểu số thì chiến tranh tại đây vẫn có thể tiếp tục nổ ra.
Nhìn lại những gì xảy ra trong năm 2012 trên phạm vi toàn cầu và khu vực, chúng ta có thể mạnh dạn một điều, rằng Trung Đông vẫn có thể trở thành “miền đất lành” nếu các nhà lãnh đạo của các nước trong khu vực đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Bởi dù có bất cứ sự can thiệp nào thì xin lưu ý, họ vẫn đang có chủ quyền trong tay.