Thông điệp nào cho tương lai
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ quyết định của Ủy ban Nobel Na Uy, không ít người cho rằng sự lựa chọn đó là không chính xác bởi EU là tổ chức có xu hướng liên kết kinh tế và chính trị, trong khi đó, kiến tạo hòa bình là nhiệm vụ thứ yếu. Hơn thế, tổ chức khu vực này còn đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ, thất nghiệp và nghèo đói gia tăng v.v. Bên nào cũng có những lý lẽ thuyết phục của mình. Trong khuôn khổ bài viết, xin không lạm bàn về sự chính xác hay cách thức bình chọn mà chỉ đưa ra một cách nhìn.
Lập luận của những ý kiến phản bác quyết định của Ủy ban Nobel Na Uy không có gì sai, có chăng chỉ là mong muốn thấy được sự hoàn hảo của đơn vị nhận giải mà thôi. Thành viên Nghị viện châu Âu, Nigel Farage, Chủ tịch đảng Độc lập của Anh cho rằng, EU không xứng đáng “vì nó vẫn chưa tạo ra sự thịnh vượng. EU đã tạo ra sự nghèo đói và thất nghiệp cho hàng triệu người”. Đồng quan điểm này, Tổng Thư ký Tổ chức Kiến tạo hòa bình Thụy Điển Kristofer Burnet Kargil cho rằng, “một số nhà sản xuất vũ khí lớn của thế giới hiện nằm ở EU”. Xuất phát từ đặc điểm cơ cấu tổ chức của EU, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện), ông Vyacheslav Nikonov lại cho rằng, EU không ưu tiên các vấn đề an ninh và gìn giữ hòa bình vì tổ chức này chủ yếu là một thiết chế kinh tế, trong khi nhiều tổ chức khác thực sự đóng góp nhiều hơn vào việc củng cố hòa bình thế giới.
Nhìn chung, các đánh giá này hoặc chỉ tập trung vào những khiếm khuyết hiện tại của EU hoặc muốn nhìn thấy những đóng góp cụ thể được dán nhãn hòa bình hay an ninh của EU. Cũng có thể, trong nhiều năm qua, như đã thành một thói quen, mọi người muốn thấy một cá nhân cụ thể nào đó được trao giải thưởng cao quý này.
Trước hết, xin nhấn mạnh rằng, để đi đến quyết định cuối cùng, Ủy ban Nobel Na Uy dựa vào ý kiến đóng góp của rất nhiều người. Hơn thế, Ủy ban này cũng có cả một danh mục các tiêu chí đánh giá và trong 92 lần trao giải (kể từ năm 1901) ngoài các cá nhân còn có tới 23 lần cho các tổ chức. Điều này cho thấy, EU được trao giải không hoàn toàn theo cảm tính hay có tính chất động viên chính trị đơn thuần.
Quyết định trao giải cho EU được Ủy ban Nobel Na Uy lý giải là căn cứ vào quá trình đóng góp của EU trong suốt 60 năm qua. Chúng ta hãy nhìn lại chặng đường phát triển của tổ chức khu vực được coi là thành công nhất hành tinh này để hiểu “cái lý” của Ủy ban Nobel.
Bắt đầu từ Cộng đồng than thép châu Âu (năm 1952) với sáu thành viên ban đầu, cho đến ngày nay EU đã có những bước phát triển khó tưởng tưởng nổi bởi châu Âu luôn được biết đến trong quá khứ là một lục địa chia rẽ. Với 27 thành viên, hơn 500 triệu dân, cho dù còn muôn vàn khó khăn ở hiện tại và phía trước, nhưng rõ ràng EU vẫn được coi là một biểu tượng liên kết khu vực thành công. Đóng góp của EU cho hòa bình khu vực cũng như toàn cầu có thể nhìn nhận dưới ba góc độ:
Thứ nhất, những thành công về kinh tế của EU là không cần quá vất vả để chứng minh, cho dù hiện tại EU đang rơi vào tình trạng khủng hoảng hay số người nghèo vẫn còn không ít. Chỉ cần nhìn những gì mà các thành viên “cũ” của EU như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Hy lạp v.v. hoặc những thành viên “mới” từ Đông Âu như các nước Séc, Ba Lan, Rumani v.v. đã có được từ khi gia nhập EU cũng đủ thấy vai trò của tổ chức này trong thúc đẩy tăng trưởng. Giờ đây, một số nước như Hy Lạp đang rơi vào thảm cảnh nợ nần khiến không ít người hoài nghi về vai trò của EU. Tuy nhiên, cũng nên đặt câu hỏi rằng, Hy Lạp sẽ như thế nào nếu không gia nhập EU ?
Thứ hai, thành công trong liên kết kinh tế cũng như chính trị chính là đóng góp quan trọng tiếp theo của EU nền cho hòa bình nhân loại. Mâu thuẫn giữa các cường quốc châu Âu, tiêu biểu là giữa Anh, Pháp và Đức đã đẩy nhân loại vào hai cuộc Thế chiến tàn khốc trong thế kỷ 20. Liên kết châu Âu đã hóa giải những thù hận tồn tại hàng trăm năm và giờ đây, chẳng còn ai nghĩ tới khả năng chiến tranh giữa những cường quốc này nữa. Sự xuất hiện chính sách “hướng Đông” (Ost Politik) của EU đã là một nguyên nhân quan trọng khiến Chiến tranh lạnh kéo dài suốt bốn thập kỷ đã đi đến kết thúc, dù mâu thuẫn vẫn còn nhiều.
Thứ ba, những đóng góp về mọi mặt, đặc biệt là về tài chính, của EU cho các tổ chức quốc tế và khu vực, tiêu biểu như Liên Hợp Quốc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các tiến trình giải quyết xung đột khu vực. Đóng góp của EU có ý nghĩa sâu rộng hơn khi góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các điểm nóng, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến xung đột.
Tóm lại, nếu tiếp cận vấn đề hòa bình thế giới dưới một góc độ rộng và đa dạng thì sẽ thấy vai trò của EU là đáng ghi nhận.
Mặt khác, sự vinh danh một tổ chức khu vực như EU còn cho thấy, có thể đây là một thông điệp mà Ủy ban Nobel Na Uy muốn gửi tới cộng đồng: Ngày nay để đảm bảo an ninh và hòa bình cho nhân loại, vai trò của các cơ chế đa phương là hết sức quan trọng. Vai trò của từng cá nhân vẫn đáng trân trọng, nhưng dường như trước tình trạng xung đột gia tăng hiện nay, những nỗ lực đơn lẻ thật khó đáp ứng được nhu cầu hòa bình, cần có những đóng góp hơn nữa của các tổ chức khu vực.
Giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ là nguồn động viên quan trọng giúp EU hiểu rõ hơn thông điệp này. Chính thủ tướng Đức, bà Angela Mekel khi biết tin EU nhận giải đã phát biểu: “Giải Nobel là một sự động viên tuyệt vời đối với EU”.